Những phát minh công nghệ làm thay đổi thế giới ô tô

Những phát minh công nghệ làm thay đổi thế giới ô tô

Những phát minh công nghệ này ra đời đã giúp ngành công nghiệp xe hơi thế giới thay đổi mạnh mẽ và có những chiếc ô tô hiện đại như ngày nay.

Hệ thống GPS

Trước đây, tài xế phải sử dụng bản đồ giấy và chỉ đường bằng văn bản. Sau đó, các công ty ô tô bắt đầu trang bị hệ thống định vị tích hợp, chủ yếu để xác định chính xác vị trí của xe.

Vào năm 1990, Mazda là nhà sản xuất đầu tiên đưa hệ thống định vị dựa trên GPS lên một chiếc ô tô. Còn ở Mỹ, hệ thống định vị GPS đầu tiên trên xe đến từ Oldsmobile và là tùy chọn có giá 1.995 USD vào năm 1995.

Mãi đến năm 2000, chính phủ Mỹ mới đưa tín hiệu GPS chính xác hơn cho mục đích dân sự và khả năng dẫn đường dựa trên GPS dần trở nên phổ biến từ đó.

Cổng kết nối OBD II

OBD là từ viết tắt của On-Board Diagnostics, là cổng kết nối được tích hợp trên xe ô tô từ những năm 1996 tại Mỹ và 2001 tại Châu Âu, Nhật Bản. Cổng kết nối ODB II được sản xuất nhằm mục đích hoàn thiện và nâng cấp thêm các tính năng cho xe ô tô. Hệ thống này làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của những bộ phận quan trọng khác trên xe, bao gồm cả điều khiển lượng khí thải xả độc của xe. Đồng thời phát ra tín hiệu cảnh báo trên taplo, thông qua đèn “Check Engine” hoặc “MIL”.’

Sự góp mặt của hệ thống OBD II giúp người lái xe nhận biết nhanh chóng những sự cố nhỏ trên xe để khắc phục kịp thời, tránh việc xảy ra sự cố khi xe đang lưu thông trên đường. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để lưu giữ thông tin mã lỗi và hỗ trợ kỹ thuật viên chẩn đoán lỗi chính xác hơn.

Ghế sưởi

Cadillac đã tạo ra chiếc xe có ghế sưởi đầu tiên vào những năm 1960, và Saab đã trang bị vào những năm 1970, nhưng mãi đến thế kỷ 21 nó mới có sẵn trên những chiếc xe phổ thông.

Đây là sáng kiến giúp tạo sự thoải mái cho tài xế di chuyển vào mùa đông mà không cần phải chờ khí nóng sau khi động cơ nóng lên để cung cấp nhiệt cho hệ thống điều hoà.

Ngày nay, không chỉ có ghế lái mà ghế hành khách sau thậm chí cũng được trang bị hệ thống sưởi này, tạo sự thoải mái cho những chuyến đi.

Camera lùi

Camera lùi giúp ích cho việc lùi, đỗ xe của tài xế được an toàn và thuận tiện hơn rất nhiều. Trang bị này chỉ phổ biến trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực tế lại không phải là một công nghệ hoàn toàn mới.

Một số hệ thống camera lùi đầu tiên đã được sử dụng trên chiếc xe dòng Buick Centurion Concept 1956, nó sẽ bao gồm một camera gắn phía sau, truyền hình ảnh đến một màn hình hiện trên bảng điều khiển của xe, thay cho gương chiếu hậu thông thường.

Một trong những mẫu mã sản xuất đại trà đầu tiên sử dụng công nghệ này là Toyota Soarer Limited UZZ31 và UZZ32, chỉ có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990. Tại các quốc gia như Mỹ và Canada, tất cả các mẫu xe mới sản xuất được quy định phải có camera lùi.

Khóa thông minh

Hệ thống Smart Key System được phát triển đầu tiên năm 1995 bởi hãng điện lớn nhất châu Âu mang tên Siemens AG. Nó được áp dụng đầu tiên năm 1998 trên dòng xe S- Class W220 sang trọng. Chiếc Mercedes – Benz S-Class được ứng dụng hệ thống này đầu tiên.

Khi mới ra đời tính năng điều khiển từ xa hay đóng mở xe của Smart Key đã tạo nên cơn sốt trong giới những người yêu ô tô. Với chìa khóa thông minh Smart Key, tài xế không cần phải tra chìa vào ổ khóa rồi xoay như chìa khóa truyền thống mới khởi động được xe, tất cả đã được thay thế bằng nút bấm Engine Start Stop.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS

ABS (Anti-lock Braking System) là hệ thống chống bó cứng phanh, một trong những hệ thống an toàn chủ động trên ô tô. ABS có tác dụng làm giảm nguy cơ về tai nạn thông qua việc điều khiển quá trình phanh một cách tối ưu. Ký hiệu ABS trên ô tô đồng nghĩa với việc chiếc xe được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh.

Vào thời kỳ đầu, ABS chỉ có trên các máy bay thương mại. Thời điểm chính xác mà hệ thống này được sử dụng là vào năm 1949 và kết cấu của ABS lúc này còn khá cồng kềnh cũng như chưa đạt được sự nhanh nhạy.

Cho đến năm 1969 khi kỹ thuật điện tử phát triển, người ta sáng tạo ra các vi mạch microchip) cũng là lúc hệ thống phanh ABS được ứng dụng trên ô tô.


Từ thập niên 70 của thế kỷ 20, nhiều hãng xe đã nghiên cứu và ứng dụng ABS vào sản phẩm của mình. Hãng sản xuất ô tô của Nhật Toyota bắt đầu sử dụng ABS trên các dòng xe của mình từ năm 1971 nhưng cho đến những năm 1980 hệ thống này mới được hoàn thiện.

Ngày nay, hệ thống chống bó cứng phanh ABS là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các dòng xe du lịch và xe hoạt động tại những vùng có băng tuyết dễ trơn trượt. Thực tế là hầu hết các dòng xe ô tô hiện nay đã đều được trang bị tính năng an toàn này.

Lốp xe bốn mùa

Lóp bốn mùa là loại lốp phù hợp với cả đường khô lẫn đường ướt. Ta-lông của lốp được thiết kế vừa làm giảm độ ồn và vừa đẩy nước khi chạy trên đường ướt. Để tăng tuổi thọ lốp được thiết kế với cao su cứng hơn.

Do vậy, có thể hiểu đây là loại lốp kết hợp giữa lốp mùa đông và lốp mùa hè. Nếu phân vân chưa biết chọn loại nào thì đây có thể là lựa chọn tối ưu nhất dành cho tài xế. Một số lốp xe có tuổi thọ kéo dài hơn 80.000 km.

Khí động lực học

Khí động học (Aerodynamic) hay khí động lực học thực chất là một môn khoa học nghiên cứu về dòng chảy của chất khí, cách mà không khí di chuyển xung quanh một vật thể nào đó. Vào khoảng những năm 1800, George Cayley là người đầu tiên tìm hiểu và nghiên cứu về khí động học.

Hiểu đơn giản hơn, khí động học là các phân tử/luồng khí sẽ tác động trực tiếp lên vỏ xe khi di chuyển, tạo ra ma sát giữa các phân tử không khí với vỏ xe. Điều này tạo thành lực cản, làm ảnh hưởng đến công suất thực tế của xe. Những ảnh hưởng của khí động học lên thân xe sẽ thay đổi tùy theo tốc độ của xe và vị trí tác động.

Màn hình giải trí

Vào đầu những năm 2000, các công ty công nghệ bắt đầu sử dụng Bluetooth như một cách để truyền và gửi tệp tin, và trong xe hơi cũng không ngoại lệ. Bản thân công nghệ Bluetooth đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1994, tuy nhiên nó đã không thực sự tỏa sáng cho đến sau thế kỷ này.

Khi nói đến ô tô, công nghệ tín hiệu không dây đã được ra mắt để gọi rảnh tay và các công ty thậm chí đã phát triển một hệ thống trong đó màn hình sẽ tự tắt tiếng nhạc trong khi gọi điện thoại.

Tuy nhiên, quan trọng hơn Bluetooth là sự ra đời của hệ thống giải trí đa phương tiện trên xe hơi, một màn hình cảm ứng có khả năng GPS. Một số màn hình thậm chí còn cung cấp bộ nhớ trong để người dùng lưu trữ tệp tin của họ.

Kể từ giữa những năm 2000, các nhà sản xuất ô tô cũng đã bắt đầu cho phép người dùng điều khiển hệ thống giải trí đa phương tiện của họ thông qua các điều khiển trên vô lăng. Thông thường nhất, các điều khiển này là để điều khiển âm lượng, chuyển bài trên đĩa CD hoặc thay đổi đài phát thanh.

Cấu trúc chống va chạm

Toàn bộ phần khung và thân vỏ của xe sẽ được chia thành nhiều vùng với vật liệu cũng như độ cứng khác nhau để hấp thụ hoặc chống lại ngoại lực tác động lên xe.

Các thành phần hấp thụ lực sẽ sử dụng những loại vật liệu có độ cứng thấp và độ đàn hồi cao để hấp thụ được nhiều lực nhất và ngược lại, các bộ phận đóng vai trò chống lại lực (phần khung bao quanh khoang cabin) sẽ sử dụng những vật liệu cứng vững để hạn chế tối đa biến dạng và bảo vệ an toàn cho hành khách.

Ảnh trên là ví dụ tiêu biểu cho cấu trúc khung xe ứng dụng các vật liệu với độ cứng khác nhau tùy khu vực. Theo bảng chú giải thì màu càng nóng tương ứng với độ cứng vật liệu càng cao. Độ cứng thấp nhất là nhôm có màu xanh lục.

Tác giả: Kim Trọng